I Want to Eat Your Pancreas- Chương 2

Chương 2

Tất cả bắt đầu vào tháng tư, khi những bông anh đào nở muộn vẫn còn bung cánh.
Y học vẫn đang dấn vào những khu vực chưa từng được nghiên cứu. Nhưng tôi không biết chút gì về y học, và tôi cũng chẳng có hứng tìm hiểu.
Tất cả những gì tôi nói được là, ít nhất thì y khoa đã phát triển đến mức có thể mang lại cuộc sống bình thường cho một cô gái không bình thường- một chứng bệnh nan y hiểm nghèo ảnh hưởng đến cuộc đời cô và sẽ giết cô trong vòng một năm. Xét ra thì, nhân loại đã đạt được khả năng trì hoãn cái chết không tránh khỏi.
Tôi vẫn luôn nghĩ rằng quả thật một người phải như một cái máy thì mới có thể tiếp tục tiến lên phía trước dù mang trong người một căn bệnh như thế. Nhưng cảm nhận của tôi chả có nghĩa lí gì với một người mắc phải căn bệnh như vậy.
Bất kể những ý nghĩ thừa thãi của tôi, cô gái ấy vẫn được lợi từ y học.
Vậy nên chỉ có thể trách số nhỏ quá xui và  với cái số phận đã sắp đặt tôi, một người lẽ ra chỉ là bạn cùng lớp nhỏ, phát hiện ra được về căn bệnh của nhỏ.
Ngày hôm đó, tôi nghỉ học ở trường vì cái ruột thừa của mình, nhưng tôi không đến để mổ mà để tháo chỉ. Những chuyến đi bệnh viện liên tục của tôi để chữa hậu phẫu sau cùng cũng chuẩn bị chấm dứt. Lẽ ra tôi sẽ đến trường muộn, nhưng quãng thời gian chờ dài dằng dặc ở bệnh viện đã rút cạn toàn bộ hứng thú học hành khỏi tôi, thế nên tôi đi loanh quanh sảnh bệnh viện.
Cảm giác chan chán trong người, tôi liếc thấy ở trong góc sảnh, ở trên một cái ghế sofa, là một cuốn sách bị ai để lại nằm lẻ loi ở đấy. Tôi tự hỏi cuốn sách do ai để lại, với cả nó viết về cái gì. Vốn là một con mọt sách, sự hiếu kì nơi tôi trỗi lên, và tôi bắt đầu đi về phía cuốn sách.
Lách mình qua giữa những bệnh nhân, tôi đến được đầu cuối sảnh chờ, rồi ngồi xuống cái ghế sofa. Xét thử bề ngoài cuốn sách, tôi thấy cuốn sách là một cuốn bìa mềm, dày khoảng 300 trang. Tất cả những gì  ngăn chặn những bí mật của nó lộ ra ngoài ra một cái bìa rời bao quanh.
Khi tôi bỏ cái bìa ra để đọc tựa sách, tôi được một phen ngạc nhiên. Bên dưới không phải cuốn sách mà cái bìa rời thuộc về, mà thay vào đấy là những dòng chữ ‘Sống chung với Bệnh’ được viết bằng tay với một cây viết lông dày. Dĩ nhiên, tôi chưa bao giờ nghe nói đến tựa cuốn sách hay nhà xuất bản nào như thế.
Tôi tự hỏi đây là sách gì, nhưng nghĩ mãi, tôi cũng không tìm được một câu trả lời thỏa đáng, thế nên tôi lật đến trang đầu.
Những từ mà tôi thấy ngay trang đầu không được in theo lối đánh chữ thường thấy. Thay vào đó, chúng được viết nắn nót bằng tay với một cây viết bi- có nghĩa là chúng được viết bởi một con người.

‘ Ngày 23 tháng 11 năm 20XX
Tất cả những ý nghĩ và hoạt động của mình ở Nhật, mình định sẽ viết hết vào cuốn nhật trình Sống chung với Bệnh này.       Không ai ngoài người nhà mình biết, rằng mình chỉ còn sống được vài năm nữa mà thôi. Mình đã chấp nhận sự thật này, giờ đây mình viết để có thể tiếp tục sống chung với bệnh của mình. Để bắt đầu, những căn bệnh về tuyến tụy như bệnh mà mình vừa được chuẩn đoán là ông hoàng trong những chứng bệnh gây đột tử. Kể cả ngày nay, những triệu chứng của mình gần như không phát hiện được...’

“ Tuyến tụy... chết...”
Vô thức, tôi thốt ra những từ không khi nào nói tới ra khỏi môi.
Ra thế, xem ra, cuốn sách này thuộc về một người với thời gian sống đã được ấn định- đây là một cuốn nhật kí hành trình chống chọi lại căn bệnh, à không chính xác là chấp nhận sống chung với nó. Đây không phải là một thứ mà tôi nên đọc.
Đi đến kết luận đấy, tôi đóng cuốn sách lại. Vẫn ngồi đấy, tôi nghe một giọng nói phát ra từ trên đầu.
“ Hửm...”
Tôi ngẩng mặt lên khi nghe cái giọng ấy, sự bất ngờ của tôi không hề biểu lộ ra trên mặt. Tôi ngạc nhiên, khi nhận ra cái khuôn mặt của chủ nhân thanh âm kia. Tôi dằn những cảm xúc trong người xuống, nghĩ rằng nhỏ đến chỗ tôi không phải là vì cuốn sách kia.
Nói thế vì, kể cả một đứa như tôi cũng không tin vào cái khả năng một đứa bạn cùng lớp mình lại phải chịu số phận chết yểu.
Do một đứa bạn cùng lớp đang lại gần, nên tôi ra vẻ mặt tập trung, lặng lẽ chờ đợi nhỏ lên tiếng. Nhỏ giơ một tay về phía tôi, trông nhỏ như thể đang cười nhạo phản ứng của tôi.
“ Cuốn sách đó là của mình nhé. Cậu- bạn- không- đẹp- trai- lắm- cùng- lớp. Cậu đến bệnh viện làm gì thế?”
Nói ra thì, tôi không biết gì về nhỏ này cả ngoại trừ rằng bản tính nhỏ vui vẻ, tươi tắn vốn là trái ngược với tôi vốn thường lặng lẽ, trầm ngâm. Thế nên tôi ngạc nhiên không nói nên lời khi nhỏ có cười tươi như thế trong lúc này, khi mà một đứa nhỏ chỉ quen sơ sơ phát hiện rằng nhỏ đang mắc bệnh nan y.
Kể cả thế, tôi quyết định sẽ đóng kịch vờ như không biết gì. Tôi tin rằng, đó sẽ điều tốt nhất cho cả hai.
“ Dạo rồi tôi có mổ ruột thừa, nhưng vẫn phải đến để tiếp tục chữa hậu phẫu.”
“ À ra vậy. Mình thì phải kiểm tra tuyến tụy, không thì mình sẽ chết.”
Tại sao nhỏ lại nói huỵch ra như thế nhỉ? Mặc dù tôi đã ráng, nhưng nhỏ chả hề đếm xỉa gì, nhanh chóng đập tan sự tế nhị của tôi với nhỏ thành từng mảnh.
Tôi quan sát điệu bộ của nhỏ, không mấy thành công trong việc đoán ý định của nhỏ. Nụ cười của nhỏ càng lớn hơn khi nhỏ ngồi xuống cạnh tôi.
“ Ngạc nhiên à? Cậu đọc rồi mà, phải không? Cái cuốn ‘ Nhật trình Sống chung với Bệnh’ ấy?”
Tỏ vẻ không mấy bận tâm, nhỏ nói cư như thể đang giới thiệu cho tôi một cuốn tiểu thuyết. Thành thử, tôi còn nghĩ là nhỏ nhỏ đang làm một trò chơi khăm, và chỉ rất tình cờ, tôi một người quen nhỏ bị dính vào.
Hẳn là thế rồi, tôi đã phát giác được trò lỡm của nhỏ.
“ Mình ngạc nhiên quá chứ. Cứ tưởng mất cuốn nhật kí rồi, đang cuống lên đi tìm, thì hóa ra cậu- bạn- không- đẹp- trai- lắm- cùng- lớp đang cầm.”
“........ Ý bà là sao? Quyển này á?”
“ Ý là sao? Quyển ‘ Nhật trình Sống chung với Bệnh’ đó là của mình. Cậu đọc rồi mà nhỉ? Mình viết nó như một quyển nhật kí suốt từ khi biết bị bệnh tụy đến giờ.”
“.........Đang giỡn hả?”
Mặc dù đang trong bệnh viện, nhỏ chả ngần ngại chút nào, cười phá lên.
“ Cậu nghĩ mình là người vô vị đến mức nào hả? Mình không bao giờ đùa kiểu đó đâu. Tất cả những gì viết ở đó đều là thật đấy, tuyến tụy của mình không hoạt động được và mình sắp chết rồi, ừ vậy đấy.”
“.......... Ồ, hiểu rồi.”
“ Hả, thế thôi à? Không còn gì nữa à?”
Giọng nhỏ lạc đi vì sốc.
“....... Không, nhưng giờ nghe bảo là một đứa bạn cùng lớp sắp chết thì nên nói gì đây?”
“ Hừmmmmm, nếu là mình, mình đoán là mình sẽ lúng túng không biết nói gì.”
“ Đấy. Còn giả mà tôi muốn nói gì, chắc sẽ là để hỏi thăm thêm tình trạng.”
Nhỏ bắt đầu khúc khích cười và nói: “ Có lẽ vậy.” Tôi không hiểu nhỏ thấy gì đáng cười nữa.
Tức thì sau đấy, nhỏ cầm lấy cuốn sách, đứng lên, vẫy tay tôi rồi đi vào phía trong bệnh viện. “ Không ai biết mình bệnh đâu, nên đừng nói với cả lớp nhé.” Nhỏ nói trước khi đi. Tôi thầm nghĩ hẳn sẽ không còn phải nói chuyện với nhỏ nữa, thầm mừng trong lòng.
Vậy mà trái với dự đoán, sáng hôm sau, khi đi ngang qua nhau trên hành lang trường, nhỏ gọi tôi bắt chuyện. Chả là, việc chia nhiệm vụ học sinh được mỗi lớp tự quyết định, xếp đặt. Và sau cùng chỉ có mình tên tôi và nhỏ được đăng kí vào ủy ban thư viện. Mặc dù tôi không hiểu lắm những động cơ của nhỏ khi đăng kí. Nhưng vốn là một người thường thuận xoay theo chiều gió, tôi im lặng suy nghĩ về những công việc sẽ được giao cho những thành viên mới của ban thư viện.

Nghĩ lại thì, chỉ vì một cuốn sách kia mà giờ tôi phải đứng đây, trước nhà ga vào lúc 11 giờ trưa ngày chủ nhật- bạn quả thật chả thể nào đoán được việc gì sẽ xảy ra trên thế gian này.
Như một chiếc thuyền cỏ không thể đi ngược dòng nước siết, tôi cũng không thể nào từ chối được lời mời của nhỏ, hay chính xác hơn, tôi không thể tìm được lúc thích hợp để từ chối nhỏ. Và vì thế, giờ đây tôi đứng chờ ở điểm hẹn.
Nói thật tôi sẽ rất mừng nếu cái hẹn này bị hủy, nhưng tôi đã liếc thấy nhỏ từ xa, trông nhỏ như có chút chuyện gì khó khăn, nhưng nhỏ sẽ luôn hỏi đường đi hay nhờ giúp đỡ nếu nhỏ không biết hướng. Không giống tôi, nhỏ sẵn sàng bắt chuyện với bất cứ ai-  không quá khi nói rằng nhỏ là con thuyền cỏ sẵn sàng đi ngược sóng.
Tôi đến nơi, một cái đài tưởng niệm đánh dấu điểm gặp mặt, sớm hơn giờ hẹn 5 phút. Tôi đứng mơ màng chờ đợi, rồi thì nhỏ cũng đến, ngay sát giờ hẹn.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi gặp nhỏ trong bệnh viện tôi thấy nhỏ mặc thường phục- một bộ đồ giản dị với áo phông và quần jean.
Nhỏ cười,tiến lại gần tôi, tôi giơ tay vẫy nhẹ để đáp lại.
“ Chào cậu! Mình đang nghĩ nên làm gì nếu cậu không đến như đã hẹn!”
“ Thật sự mà nói là tôi cũng nghĩ tới việc không đến đây.”
“ Nhưng mà sau cùng cậu cũng tới, đúng hem?”
“ Hình như bà xài từ hơi kì. Mà, hôm nay đến đây làm cái gì?”
“ Ồ, cậu có vẻ hào hứng đi quá nhỉ!”
 Nhỏ nhìn tôi chăm chú dò xét rồi nở một nụ cười, nhỏ có vẻ như lúc nào cũng có thể cười. Chỉ là, tôi hoàn toàn không hào hứng chút nào.
“ Trước tiên, đên thành phố nào.”
“ Mà tôi không thích những chỗ đông người đâu đấy.”
“ Cậu- bạn- cùng- lớp- biết- được- bí- mật này, cậu có mang thẻ đi tàu không đấy, lấy ra mình xem cái.”
“ Tôi có mang, đây.”
Sau cùng, tôi chiều theo ý nhỏ, và cả hai đứa ra thành phố như nhỏ muốn. Y như tôi đã lo, cái nhà ga to đùng với đầy những cửa hàng tràn ngập người qua lại chen chúc, ồn ào. Chỉ nhìn cảnh đó thôi khiến tôi nôn nao trong lòng.
Còn với đứa con gái bên cạnh tôi, nhỏ trông chả ngần ngại gì cái đám người đông đúc kia. Có thật là nhỏ sắp chết không nhỉ? Mặc dù thi thoảng lại thắc mắc, nhỏ đã đưa tôi xem những văn kiện xác thực, xóa xổ mọi nghi ngờ nơi tôi.
Sau khi đi qua cổng soát vé, nhỏ tiếp tục đi tới, cắt xuyên qua dòng người hối hả. Một cách nào đấy, tôi vẫn có thể giữ được bóng nhỏ trong tầm mắt mình. Cả hai đứa đến được cái đường hầm dưới đất, ở chỗ này đám đông cũng giảm bớt được chút. Đến tận lúc này, nhỏ mới nói tôi mục đích của chuyến đi này.
“ Đầu tiên, ăn thịt nướng.”
“ Thịt nướng? Nhưng mới sáng ra mà?”
“ Ăn thịt sáng hay chiều có gì khác nhau chứ?”
“ Không phải khác hay không, mà giờ tôi không có thèm thịt.”
“ Vậy thì giờ ăn cũng có sao đâu. Mình muốn ăn thịt nướng!”
“ Nhưng mà tôi mới ăn sáng lúc 10 giờ.”
“ Không sao hết, trên đời làm gì có ai chê thịt nướng.”
“ Này, này, cô có để ý tôi đang nói gì không đấy?”
Xem chừng là không.
Lời phản đối của tôi như tiếng đàn gảy vào tai trâu vậy. Và rất nhanh chóng, tôi ngồi đối diện nhỏ trước một cái bếp than. Quả thật tôi để nhỏ dắt mũi như thuyền tranh bị sóng đẩy. Cửa tiệm không đông lắm, ánh đèn mờ mịt soi quanh, kết hợp với những cái đèn riêng biệt cho thực khách khiến khách có thể nhìn nhau rất rõ, mặc dù không cần thiết lắm.
Không phải chờ đợi lâu, một anh phục vụ trẻ đến cạnh bàn để hỏi chúng tôi dùng gì. Trong khi tôi đang xem thực đơn, như để chứng minh cái gì, nhỏ trả lời rất gọn.
“ Món mắc nhất.”
“ Khoan đã nào, tôi không mang nhiều tiền đến thế đâu.”
“ Không sao, bữa này mình đãi. Cho em hai suất ăn nhiêu tùy thích mắc nhất. Còn đồ uống thì, trà ô long được không cậu?”
Tôi chịu theo ý nhỏ, gật đầu trong khi nhỏ tiếp tục hết sức tự nhiên như ở nhà vậy. Anh phục vụ nhanh chóng xác nhận món rồi đi
“ Oa, không không biết ngon nhỉ, muốn ăn quá đi?”
“.... .... Tôi sẽ trả lại bà tiền hôm nay sau vậy nhé.”
“ Mình bảo là mình đãi mà, không sao mà. Đến gần đây, mình có đi làm thêm mà. Mình có để dành được một ít, nếu mà không xài tới thì uổng quá.”
Trước khi nhỏ chết- mặc dù nhỏ không nói ra, hẳn ý nhỏ là thế.
“ Thế còn tệ hơn. Bà nên xài số tiền ấy vào việc có ý nghĩa hơn chứ.”
“ Nhưng việc này đâu phải là vô nghĩa- đi ăn thịt nướng với bạn bè vui hơn chứ hả? Giờ mình đang tiêu tiền vì bản thân mình đấy chứ.”
“ Nhưng mà-”
“ Đồ uống của anh chị đây, mời anh chị dùng.”
Chuẩn bị cãi lại nhỏ thì, rất đúng lúc, anh phục vụ bưng ra hai li trà ô long. Tôi cảm giác như thể nhỏ bằng cách nào đó đã gọi anh phục vụ ra để kết thúc câu chuyện tiền nong của hai đứa. Nhỏ lại cười khúc khích, nhe răng nở một nụ cười lớn.
Liền sau đồ uống một tí là một đĩa thịt hổ lốn đủ loại được mang ra. Những miếng thịt được xếp rất đẹp mắt, thật sự trông rất bắt mắt. Hẳn do chúng đã được cắt theo cái kĩ thuật được gọi là ‘cẩm thạch’. Miếng thịt được cắt để lộ phần mỡ tạo thành những đường vân nhìn tựa như viên cẩm thạch. Miếng thịt trông như thể nó vẫn sẽ rất ngon nếu ăn sống, dù rằng cái ý nghĩ đó sẽ khiến nhiều rùng mình.
Khi cái vỉ nướng trên cái lò than có vẻ đã đủ nóng, nhỏ nhanh chóng gắp lấy một miếng thịt rồi đặt lên vỉ. Miếng thịt bắt đầu kêu xì xèo, bắt đầu tỏa ra cái mùi hương đặc trưng gây thèm rõ dãi, và bụng tôi bắt đầu réo lên phản ứng. Lũ học sinh trung học đang tuổi lớn thì sao có thể kiểm soát cơn thèm ăn của chúng chứ, vậy nên tôi bắt đầu gắp thịt lên nướng cùng nhỏ.Than cháy trong lò nóng rực, nên chẳng bao lâu thì thịt chín.
“ Itadakimasu.”
“ Itadakimasu. Hừm, cũng ngon thật chứ.”
“ Hả, chỉ vậy thôi à. Không phải là quá ư là siêu ngon à? Hay là cậu đang nghĩ mình nói quá chỉ vì mình sắp chết?”
Không, những miếng thịt này đều rất ngon. Chỉ là giữa hai đứa tôi có một khoảng cách xa về mức độ xúc cảm.
“ Mấy miếng thịt này ngon quá đi. Người giàu chắc chỉ ăn đồ ngon như thế này thôi đúng không.
“ Người giàu không đi ăn buffet kiểu ăn nhiêu cũng được đâu, có lẽ thế.”
“ Ừ- Thịt ngon như vầy mà để làm buffet thì uổng quá.”
“ Mặc dù nói ra thì với người giàu thì món gì cũng là kiểu muốn nhiêu cũng được hết.”
Đáng lẽ bọn tôi không thể ăn nhiều như thế được, nhưng hai suất thịt nhanh chóng được xử hết. Nhỏ với tay lấy cái thực đơn ở góc bàn rồi xem món gọi thêm.
“ Cậu muốn ăn gì không?”
“ Tùy ý bà.”
Tùy ý bà- tôi nhận thấy rằng câu này khá hợp với tôi.
Nhỏ im lặng giơ tay lên, không rõ từ đâu anh phục vụ thấy được vầ rất nhanh chóng đến bàn bọn tôi. Nhỏ liếc nhìn tôi, hiểu được sự ngạc nhiên của tôi khi thấy sự tận tụy của anh phục vụ. Đoạn, nhỏ gọi món từ thực đơn liền một hơi.
“ Giara, kobukuro, teppou, hachinosu, mino, hatsu, nekutai, korikori, fuwa, senmai, shibire.”
“ Khoan, khoan, khoan đã nào, bà đang gọi cái gì thế?”
Khá là vô duyên khi chen vào công việc của anh phục vụ, nhưng nhỏ đang thốt ra những từ tôi ít bao giờ nghe tới, nên tôi không kìm được mở miệng hỏi.
“ Kobukuro? Hả, ở đây có bán CD nhóm đấy à?”
“ Cậu nói gì vậy? À, mà giờ cho bọn em mỗi thứ một suất thôi nhé.”
Anh phục vụ cười xác nhận rồi nhanh chóng đi khỏi.
“ Hachi? Bà vừa gọi món ong à? Côn trùng cũng nướng ăn được sao?”
“ Ồ, chắc cậu không biết nhỉ. Kobokuro và hachinosu là tên hai bộ phận của con bò. Thành thật mà nói, mình rất thích homuron!”
( Kobukuro(子袋) là tử cung bò.           Hachinosu(ハチノス) là phần đựng cỏ để nhai lại của con bò. Homuron(ホルモン) là lòng lợn).
“ Ý bà là nội tạng à? Bò có những phần tên nghe hay nhỉ?”
“ Không phải con người cũng có à. Như cái ‘funny bone’ ấy.
( Funny bone là phần xương ở cùi chỏ, khi chạm vào có thể gây tê tay. Kiếm google giùm)
“ Ờ, nhưng mà tôi không biết nó ở đâu hết.”
“ Trùng hợp tí, shibire là tuyến tụy nhé.”
“ Có khi bà ăn nội tạng để chữa bệnh không thế?”
“ Mình có thể ăn lòng mãi không chán ấy. Nếu mà hỏi mình đồ ăn mình thích là gì, mình sẽ trả lời là lòng lợn. Mình yêu nội tạng!!”
“Ai mượn bà kể cái sở thích ấy chứ hả?”
“ À quên không gọi ít cơm rồi. Cậu muốn ăn cơm chứ?”
“ Không.”
Sau một lúc, những cái nội tạng mà nhỏ gọi đều được bưng ra, xếp thành một phần duy nhất. Nhìn chúng tởm hơn tôi nghĩ, vì vậy tôi cảm thấy mất cả thèm ăn.
Nhỏ kêu thêm ít cơm không, rồi bắt đầu vui vẻ xếp những miếng lòng lên lò nướng. Lao đã phóng đành theo thôi, tôi bắt đầu giúp nhỏ nướng chỗ nội tạng.
“ Này, miếng này chín rồi này.”
Thấy tôi chỉ ngồi nhìn kể cả khi miếng lòng bắt đầu đổi sắc, nhỏ không chịu bỏ yên, nhỏ gắt gỏng nói, rồi đặt cái miếng trăng trắng thủng lỗ chỗ vào đĩa của tôi. Do tôi luôn có nguyên tắc là không bỏ thừa hay nghịch đồ ăn, tôi dè dặt đưa miếng lòng lên miệng.
“ Ngon mà, phải không?”
Nói thật thì, cảm giác cũng được, nó có một mùi hương thoang thoảng, và vị nó ngon hơn tôi đã nghĩ, nhưng cái cảm giác tôi đã làm một việc không nên làm quấy lên trong bụng tôi, rồi tôi lo lo nhìn xuống bụng. Như thông lệ, vì một lí do gi đấy nhỏ nở một nụ cười.
Tôi xem thử còn miếng trà nào sót lại trong li không, rồi xin anh phục vụ thêm một li nữa, kèm theo một ít thịt bình thường nữa.
Tôi yên lặng ngồi ăn thịt, trong khi nhỏ tiếp tục với món lòng. Thi thoảng, tôi lại ăn một miếng lòng, khi đấy nhỏ nhếch mép cười đểu tôi, xong làm mặt giận liếc xéo tôi. Mỗi lần như thế, nhỏ lại ăn một miếng lòng mà nhỏ cẩn thận nướng, xong kêu lên một tiếng ‘aaa’ và toàn bộ nét khó chịu trên mặt nhỏ lập tức tan biến.
“ Cậu biết hông, mình không muốn bị hỏa táng đâu.”
Trong khi tiếp tục thưởng thức bữa thịt nướng, nhỏ nói tới một đề tài quá kì quặc ở cái nơi này.
“ Cái gì cơ?”
Nghĩ là có thể mình nghe lầm, tôi hỏi lại nhỏ, và nhỏ trả lời một bộ mặt hết sức nghiêm túc.
“ Mình vừa nói, mình không muốn bị hỏa táng. Mình không muốn bị nướng lên sau khi chết.”
“ Bà có cần phải nói về việc đó khi đang ăn thịt nướng không thế?”
“ Nó sẽ như thể là mình biến mất khỏi thế gian này vậy. Để người khác ăn mình hay kiểu thế không được à?”
“ Bà đừng nói về việc xử lí xác lúc đang ăn thịt được chứ?”
“ Mình sẽ để cậu ăn tủy của mình.”
“ Có nghe tôi nói gì không thế?”
“ Mình nghe nói có những quốc gia có tục truyền rằng nếu ăn một người, linh hồn người ấy sẽ tiếp tục sống trong người đã ăn thịt họ.”
Có vẻ, cũng như mọi khi, nhỏ có vẻ chả hề nghe tôi nói gì hết. Mà có lẽ nhỏ có nghe nhưng nhỏ quyết định lơ đi. Tôi có cảm giác là cái thứ hai.
“ Có thật không nhỉ?”
“.... Có lẽ là thật. Trong tâm linh, có lẽ. Trong luật, tôi chưa tìm hiểu nên thật sự là tôi không biết.”
“ Hừm, hiểu rồi. Tiếc nhỉ. Vậy là không cho cậu tuyến tụy của mình được nhỉ?”
“ Tôi không cần.”
“ Cậu không định ăn à?”
“ Chính vì tuyến tụy mà bà sắp chết. Nên nơi đó chắc hẳn là nơi chứa phần hồn to nhất của bà. Và cái linh hồn của bà có vẻ lắm chuyện quá.”
“ Ừ, cái đó thì đúng đấy.”
Nhỏ phá lên cười lớn. Còn sống nhỏ đã ồn ào như vậy, nên chắc chắn cái tuyến tụy của nhỏ con gái nhiều chuyện cũng sẽ như chủ nó. Xin lỗi chứ, không đời nào tôi ăn thứ ấy.
Nếu so sánh ra, nhỏ ăn nhiều hơn hẳn tôi. Nhỏ chén đầy bụng với thịt, cơm, và lòng đến khi nhỏ nói “ Ôi, tức bụng quá.” Còn tôi, tôi đã ngừng lại khi thấy bụng mình căng ra vừa vừa, và đã cảm thấy thỏa mãn. Dĩ nhiên mà nói, ngay từ đầu, tôi chỉ gọi đủ để ăn, và cũng chả hề gọi ra một đống ê hề món thêm đầy bàn như nhỏ.
Ăn xong rồi, bọn tôi để anh phục vụ dọn đi những cái đĩa trống trơn và cái lò nướng đã tròn bổn phận, rồi sau cùng mang ra kem tuyết( sherbet) để ăn tráng miệng. Cái đứa con gái vừa than “ mình cảm thấy không ổn” và “ tức bụng quá” kia lại tràn đầy sức sống khi nhìn thấy món ăn đóng đá kia. Nhỏ hít một hơi, rồi như thể những lời than vãn nãy giờ chỉ là nói dối, nhỏ bắt đầu xí xa xí xố trở lại.
“ Này, bà không có chế độ kiêng cữ gì à?”
“ Chế độ bình thường ấy mà. Cơ mà, được thế cũng là kết quả của cả thập kỉ phát triển y khoa ấy chứ. Con người quả là tuyệt ha. Ta có thể bị bệnh, nhưng cũng không ảnh hưởng mấy đến sinh hoạt hàng ngày chút nào. Mình đoán là con đường phát triển y học này rồi sẽ tìm ra được cách chữa nhỉ.”
“ Ừ đúng thế thật.”
Tôi không biết nhiều lắm về ngành y, nhưng đây là một dịp hiếm hoi mà tôi đồng ý với nhỏ. Tôi nghe nói rằng trên thế giới này, thay vì chữa những chứng bệnh nan y, phương thức chữa trị chủ yếu là giúp người bệnh sống chung với bệnh ấy. Nhưng tôi nghĩ thật sự thì, y khoa nên tập trung phát triển vào phương thức chữa trị, chứ không chỉ để giúp bệnh nhân gắng gượng với nó. Thế nhưng, nói gì thì nói, chúng tôi cũng thừa hiểu rằng không cách nào mà y học có thể tự phát triển. Để nó thể phát triển, cách duy nhất là những người làm việc ở những trung tâm y học phải nghiên cứu kĩ lưỡng. Dĩ nhiên, nhỏ không có thời gian để chờ việc đó xảy ra. Còn với tôi, có chờ đợi cũng không có nghĩa lí gì khi tôi còn không hề bị bệnh.
“ Bà tính sẽ làm gì kế tiếp?”
“ Ý cậu là tương lai làm gì á? Chắc đi chọn quan tài.”
“ Không phải ý đấy. Mà này, tôi nghĩ mãi rồi, nhưng bà không nghĩ là mấy câu đùa của bà làm tôi khó xử à?”
Nhỏ nhìn tôi, mặt nhỏ không biểu lộ gì cả, rồi bắt đầu cười. Nhỏ là một đứa mà mặt có thể biểu lộ những cảm xúc khác nhau rất nhanh chóng. Tôi không khi nào nghĩ rằng, nhỏ, như một sinh vật sống, có thể giống tôi. Nhưng có lẽ chính vì chúng tôi khác nhau như thế nên vận mệnh của cả hai lại khác nhau đến vậy.
“ Không không, mình chưa đùa như vậy với ai ngoài cậu hết ấy. Nếu mình đùa thế, hầu hết mọi người đều sẽ lảng đi đúng không. Nhưng mà cậu thì tuyệt lắm. Cậu nói chuyện với một đứa bạn cùng lớp sắp chết rất bình thường. Phải như là mình, chắc mình không làm thế được. Chính vì cậu tuyệt vời thế nên mình thoải mái nói sao cũng được hết á.”
“ Đánh giá tôi cao quá đấy.”
Quá mức luôn ấy.
“ Nhưng mà mình nghĩ khác, do cậu, Bạn- cùng- lớp- biết- được- bí- mật chả bao giờ thấy buồn trước mặt mình. Hay có khi nào cậu khóc thương cho mình ở nhà không thế?”
“ Không.”
“ Vậy thì cậu nên khóc đi.”
Tại sao tôi phải khóc chứ? Tôi sẽ không làm một việc không cần thiết nhưu thế. Tôi không cảm thấy buồn, và chắc chắn tôi không muốn biểu lộ cảm xúc đó trước nhỏ. Nhỏ không hề ra vẻ buồn bã, vậy nên bất cứ ai buồn hộ nhỏ đều là không hợp lẽ.
“ Trở lại chủ đề nhé. Bà định làm gì kế tiếp?”
“ A, đổi chủ đề à? Cậu sẽ khóc chứ? Kế tiếp mình sẽ đi mua một sợi thừng.”
“ Không đời nào tôi sẽ khóc hết. Mà một sợi thừng?”
“ Ồ, cậu cũng có thể nói những câu ‘men- lì’ như thế à? Có khi nào cậu đang cố làm tim mình rung động không thế? Ừ, dây thừng. Để tự tử.”
“ Ai lại đi tán một người sắp chết chứ. Tự tử?”
“ Mình đã từng nghĩ tự tử có lẽ cũng không quá tệ- tự kết liễu trước khi căn bệnh giết mình. Nhưng mà mình nghĩ mình sẽ không tự tử nữa đâu. Mình chỉ mua sợi dây để nghịch thôi. Mà này, Cậu- bạn- cùng- lớp- biết- bí mật tệ quá nhé. Bị từ chối thế có khi mình buồn quá tự tử thật ấy.”
“ Nghịch?? Xem chừng nói với bà về việc bà tự tử hay không bắt đầu vớ va vớ vẩn rồi đấy. Giờ, ngừng cái đề tài này nhé.”
“ Hừm, đúng là nói hơi lạc đề thật- vậy thì... cậu có bạn gái chưa?”
“ Tôi không cảm thấy muốn nghe chi tiết về cái đề tài này lắm. Vậy ngừng nói chuyện nhé.”
Xem chừng nhỏ sẽ định nói gì tiếp, tôi chủ động đứng lên. Tôi không thấy cái hóa đơn ở đâu cả, nên tôi gọi anh phục vụ xin hóa đơn để chuẩn bị rời quán. Nhỏ cười khúc khích, nói “ Đi thôi” rồi đứng lên.
Xem chừng thì nhỏ là tuýp người không quá chú trọng việc phải nói hết ý mình. Đó quả là một điểm của nhỏ rất tiện trong tình huống này. Tôi tự nghĩ từ giờ phải giữ thế chủ động hơn.
Sau khi rời khỏi quán thịt nướng, với cái bụng no nê, chúng tôi bước ra ngoài, và hứng những tia nắng thường thấy của mùa hè. Theo phản xạ tôi nheo mắt lại. “ Thời tiết đẹp quá nhỉ? Có khi mình sẽ chết trong một ngày như thế này.” Tôi chẳng biết phải nói gì với cái câu nhỏ vừa thốt ra, nhưng hiện giờ, tôi quyết định cứ lờ nhỏ đi là cách tốt nhất để đối phó với nhỏ.  Cũng như việc không nên nhìn vào mắt thú hoang- kiểu như thế.
Hai đứa tôi bắt đầu đi về phía cái trung tâm mua sắm lớn nối liền với nàh ga sau một hồi bàn luận- đó là nếu có thể gọi đấy là bàn luận, bạn hẳn cũng đã đoán được, chủ yếu chỉ là nhỏ nói mà thôi. Ở giữa trung tâm mua sắm là một tiệm đồ gia dụng bán rất nhiều món hàng, bao gồm cả dây thừng để thắt cổ mà nhỏ muốn mua.
Mặc dù cái trung tam mua sắm mà chúng tôi vừa đi bộ qua đầy những người, chẳng có ai ở gian hàng dây ở trong tiệm đồ gia dụng cả. Chắc chắn rằng những người sẽ mua dây thừng vào một ngày đẹp trời như vậy chỉ có người buôn bán, cao bồi hay những đứa con gái sắp chết.
Tôi có thể nghe thấy tiếng trẻ con đùa giỡn xung quanh trong khi so sánh kích thước những cái đinh, còn nhỏ thì đang hỏi chuyện nhân viên bán hàng.
“ Xin lỗi anh, em đang kiếm một sợi dây để tự tử, nhưng em không muốn bị thương ngoài da, vậy thì loại dây nào là an toàn nhất để làm việc này vậy anh?”
Tôi có thể nghe rõ câu hỏi của đứa con gái tưng tửng trong đầu kia. Tôi quay lại chỉ để nhìn thấy anh nhân viên rõ ràng đang ngỡ ngàng vì nhỏ, làm tôi bật cười một chút. Xong, tôi nhận ra nhỏ lại đang nói những câu đùa của mình, làm tôi thấy hơi khó chịu. Một sơi dây dùng để tự sát một cách an toàn- đó là cái trò đùa của nhỏ. Anh nhân viên và tôi đều bị bất ngờ và ngỡ ngàng, nhưng tôi lại cười. Tôi xếp lại những cái đinh về chỗ cũ từng cái một, rồi lại gần chỗ anh nhân viên và nhỏ con gái  mà tôi co thể thấy là đang cười chỉ qua cái lưng nhỏ.
“ Xin lỗi anh. Con bé này gần chết rồi, nên đầu nó đâm ra hơi ấm một tí.”
Tôi không rõ anh nhân viên kia hiểu được lời tôi, hay chỉ muốn tránh xa hai đứa, nhưng anh đi khỏi đấy và tiếp tục làm việc.
“ Àààaaaa. Ngay khi anh ấy chuẩn bị giới thiệu sản phẩm cho mình. Đừng phá mình chứ. Hay có khi nào cậu ghen do mình với anh nhân viên ấy có quan hệ sâu thắm không đấy?”
“ Nếu bà có thể gọi như thế là sâu thắm thì hẳn đã có người làm cam chiên bột rồi.”
( Trans: Orange tempura, có ko nhỉ? Ai biết nhiều về Nhật cho biết cái.)
“ Ý cậu là sao?”
“ Câu vô nghĩa ấy mà, đừng hỏi nữa.”
Mặc dù tôi nói chỉ để vì tôi nghĩ thế sẽ làm nhỏ khó chịu, vậy mà chỉ trong thoáng chốc, nhỏ bắt đầu phá lên cười lớn một cách không cần thiết như mọi khi.
Đứa con gái kia với cái tâm trạng đã trở nên tốt hẳn vì một lí do nào đấy, nhanh chóng vớ lấy một sợi thừng cùng một cái túi tote có hình một con mèo dễ thương in lên. Sau đấy tôi cùng nhỏ rời khỏi khu mua sắm, nhỏ vừa đi vừa ngâm nga, quay quay cái túi vừa mua với sợi dây để bên trong. Nhỏ đã vui đến mức nào mà khiến bao người chú ý tới và hiểu nhầm khi chúng tôi rời khỏi tiệm đồ gia dụng chứ?
“ Cậu- cùng- lớp- biết- bí- mật này, làm gì kế tiếp đây?”
“ Tôi chỉ đi theo bà thôi, nên đâu có ý tưởng gì chứ.”
“ Hở, vậy hả? Vậy có chỗ nào mà cậu muốn đến không?”
“ Nếu tôi phải chọn, thì tôi đoán là một nhà sách.”
“ Cậu định mua sách à?”
“ Không, tôi thích đi đến nhà sách không vậy thôi.”
“ Ô ồồ, nghe giống một câu tục ngữ Thụy Điển ấy.”
( Ai biết chỉ cái.)
“ Là sao?”          
“ Lời nói bá láp ấy mà, đừng để tâm, ha ha ha”
Có vẻ là nhỏ thật sự rất vui. Tôi cảm thấy hơi khó chịu. Chúng tôi hai đứa hai biểu cảm ngược nhau, bắt đầu hướng cái nhà sách lớn nằm cùng khu mua sắm. Đến nơi, tôi để mặc nhỏ đấy, bước về phía gian sách văn học mới. Nhỏ không đi theo tôi. Mãi rồi tôi mới được ở một mình, tôi hào hứng nhìn xem những cuốn sách bìa mềm.
Trong khi mải ngắm nhìn hàng mớ bìa sách và đọc qua hàng loạt phần mở đầu, tôi dường như không cảm nhận thời gian. Đây hẳn là một cảm giác quen thuộc với những người yêu sách, nhưng không phải ai cũng có tình yêu với sách như vậy. Do đó, tôi cảm thấy hơi tội lỗi khi xem đồng hồ, và đi xung quanh kiếm nhỏ. Rồi tôi thấy nhỏ đang cười, đọc một tờ tạp chí thời trang. Tôi nhủ bụng rằng nhỏ quả là đáng ngạc nhiên khi có thể tỏ ra vui như thế kể cả khi đọc một quyển tạp chí. Tôi thì không thể làm thế được.
Tôi lại gần nhỏ, nhưng trước khi tôi có thể gọi nhỏ, nhỏ để ý thấy tôi và quay về tôi. Tôi thật tâm xin lỗi.
“ Xin lỗi nhé, quên luôn bà ấy.”
“ Cậu tệ quá nha! Nhưng mà không sao. Mình cũng đọc một quyển sách từ nãy giờ. Mà cậu- bạn- cùng- lớp- biết- bí- mật này, cậu có hứng thú với thời trang không?”
“ Không hề. Tôi đoán là tôi không quan tâm lắm về việc mặc cái gì miễn sao nó bình thường và không quá lòe loẹt là được.”
“ Mình đoán cậu sẽ nói thế mà. Mình thì lại quan tâm về thời trang. Một khi mình trở thành sinh viên, mình sẽ nốc rượu như nước- đùa thôi, mình sẽ chết sớm thôi mà. Nhưng với con người thì, tốt gỗ hơn tốt nước sơn thật nhỉ?”
“ Có vẻ bà đã rất hoàn hảo trong việc sử dụng những lời chả ăn nhập gì tới nhau.”
Tôi ngó quanh lơ đễnh. do tôi nghĩ rằng lời nói của nhỏ có lẽ đã khiến ai đó hiếu kì. Nhưng xem ra chẳng có một ai ở quanh quan tâm chút nào tới cái lời nói kì quặc của một nhỏ học sinh phổ thông.
Cả hai đứa chẳng mua gì cả từ hàng sách. Thật sự thì, sau đó chúng tôi cũng chả mua gì nữa cả. Sau khi rời khỏi hàng sách, chúng tôi đi vào một hàng đồ phụ kiện và hàng kính mà nhỏ chợt thấy, nhưng hai đứa rời khỏi mà không mua gì cả. Cuối cùng, thư duy nhất nhỏ mua là chiếc túi tote và sợi thừng.
Đi bộ mệt rồi, theo ý nhỏ, chúng tôi ghé vào một hàng cafe có chuỗi trên toàn quốc. Cả quán đông nghẹt, nhưng may mắn thay, cả hai đứa kiếm được chỗ ngồi. Nhỏ ngồi đó đợi, còn tôi đi gọi món cho cả hai. Nhỏ muốn uống một li cafe au lait đá. Tôi gọi một lí đen đá cùng với li au lait của nhỏ ở quầy, đặt lên khay, rồi bưng về bàn hai đứa. Nếu bạn thắc mắc nhỏ làm gì khi ngồi chờ, thì là nhỏ viết hí hoáy vào cuốn ‘ Nhật trình Sống chung với Bệnh’ bằng một cây bút bi.
“ A, cám ơn nhé. Hết nhiêu vậy?”
“ Không cần đâu. Nãy bà trả tiền thịt nướng rồi.”
“ Mình trả vì mình muốn, nên đừng bận tâm tới nữa. Nhưng mình cho là mình sẽ để cậu bao mình li này.”
Vui vẻ nói, rồi nhỏ bỏ ống hút vào cái li cafe au lait thủy tinh và bắt đầu nhấp. Có lẽ bộc lộ niềm vui ở từng việc nhỏ chả hề làm nhỏ phiền. Tôi đầu hàng trước nhỏ về việc luôn có thể thấy được mặt tốt của mọi việc.
“ He he, cậu nghĩ chúng ta nhìn có giống một đôi không?”
“ Kể cả nếu chúng ta nhìn giống thế, chúng ta không phải là thế, nên chả sao cả.”
“ Whoa, cậu không biết đùa là gì nhỉ?”
“ Nói ra thì, bất cứ nhóm hai người khác giới nào cũng sẽ trông như một cặp, và nếu chỉ nhìn thôi, ai biết được bà sắp chết chứ hả. Cái quan trọng không phải là người khác nghĩ gì mà là cái bản chất thật. Chả phải bà cũng đã nói vậy sao?”
“ Quả đúng như mong đợi từ bạn- cùng- lớp- biết- bí- mật nhỉ.”
Do nhỏ lại cười khi đang hút li cafe au lait của mình, tiếng lục bục khi thổi vào ống hút phát ra ngoài.
“ Vậy, cậu- bạn- cùng- lớp- biết- bí- mật có bạn gái bao giờ chưa thế?”
“ Được rồi, nghỉ thế được rồi.”
“ Nhưng cậu còn chưa uống lấy một miếng.”
Xem chừng, một mánh không thể xài hai lần. Khi tôi vừa đứng dậy, nhỏ nắm lấy tay tôi. Tôi thầm muốn nhỏ ngừng bấu móng tay vào tay tôi. Có lẽ nhỏ đang trả đũa khi tôi cắt ngang đề tài lúc ở hàng thịt nướng. Không muốn hứng lấy cơn giận của nhỏ, tôi yên lặng ngồi xuống.
“ Vậy, cậu có chưa?”
“ Ai mà biết.”
“ Nghĩ lại thì, mình chả biết gì về cậu cả.”
“ Thế à? Tôi không thích nói về bản thân lắm.”
“ Tại sao?”
“ Tôi không muốn phải cảm thấy chóng mặt và bồn chồn khi nói về một chuyện mà chả ai có hứng thú.”
“ Sao cậu lại cho rằng không có ai hứng thú?”
“ Đó là do tôi không có hứng thú với người khác. Ai cũng như ai, sau cung thì, con người cơ bản là không có hứng thú với ai ngoài chính bản thân họ. Dĩ nhiên, có trường hợp ngoại lệ. Kể cả tôi cũng hơi có hứng thú đến những người như bà phải chịu hoàn cảnh đặc biệt. Do đó, tôi không muốn nói tới những việc chả ai quan tâm gì.”
Tôi kể cho nhỏ- những ý nghĩ tôi thường có. Tôi cảm tưởng như lời tôi nằm gọn thành từng dòng trên bàn trong khi ngắm nhìn những đường vân gỗ trên bề mặt cái bàn. Cái ý nghĩ này, tôi cũng đã để bám mờ bụi ở sâu thẳm trong tim tôi. Dĩ nhiên, đó là do tôi chưa từng có ai để nói với.
“ Mình có quan tâm này.”
Tôi phủ bụi khỏi cái ý nghĩ của mình, nhớ lại hoàn cảnh và những kí ức gắn liền với chúng, và nhận ra rằng tôi không hiểu được lời nhỏ. Một lần nữa tôi ngẩng lên nhìn, và tôi bất ngờ trước cái mình thấy được. Những biểu hiện sống động nơi nhỏ chỉ mang một cảm xúc duy nhất. Kể cả tôi, vốn luôn mù tịt về người khác, cũng có thể biết được chỉ với một cái liếc mắt là nhỏ đang ráng nén giận đến nhường nào.
“ Sao thế?”
“ Mình nói là mình có quan tâm đến cậu. Mình sẽ chẳng bao giờ rủ ai đi chơi nếu mình không quan tâm chút nào đến người đó cả. Vậy nên đừng coi mình như đứa ngốc chứ.”
Thật tình tôi chẳng hiểu được nhỏ đang nói gì. Lí do nhỏ quan tâm đến tôi, và cả lí do nhỏ nổi giận- tôi không hiểu được cai nào cả. Và trên hết, tôi đâu có làm nhỏ trông như đứa ngốc.
“ Thi thoảng tôi có tự hỏi xem bà có bị đần không, nhưng mà tôi đâu có coi bà như đứa ngốc.”
“ Kể cả nếu cậu nói thật đi nữa, mình buồn lắm.”
“ À, vậy thì... xin lỗi nhé.”
Vẫn không hiểu ý của nhỏ là gì, tôi cứ xin lỗi vậy thôi. Đây là cách tốt nhất để xoa dịu những người đang giận, và tôi luôn sẵn lòng dùng tới. Và đúng như thế, cũng như những khác, nhỏ nguôi dần mặc dù má nhỏ vẫn phồng má hờn dỗi.
“ Nếu cậu trả lời đàng hoàng, mình sẽ tha cho cậu.”
“..... Nghe chuyện của tôi cũng không khiến bà vui hơn đâu.”
“ Cứ kể đi, mình vẫn muốn nghe.”
Lúc tôi không để ý, khóe môi đã hơi cong lên thành nụ. Tôi không cảm thấy muốn chống lại nhỏ lắm, không còn đường lùi, chưa kể tôi còn là mẫu người muốn xoa dịu người khác, nhưng tôi không tự cho la mình đáng thương hại. Tôi chỉ đơn giản là một con thuyền tranh trôi theo sóng.
“ Tôi có lẽ sẽ không như bà kì vọng đâu.”
“ Không sao, không sao cả mà. Nói đi.”
“ Có lẽ từ tiểu học tới giờ, tôi không có kí ức nào về bạn bè cả.”
“......... Mất trí nhớ à?”
“......... Có lẽ bà đần thật.”
Mặc dù tôi hoàn toàn không tin chút nào, nhưng quả thật việc một người ở tuổi nhỏ mắc phải một căn bệnh nan y có lẽ khó hơn việc bị mất trí nhớ, nên lời nhỏ không phải không có cơ sở. Để rút lại lời vừa nói, tôi đính chính với nhỏ, khuôn mặt thật dễ đoán.
“ Ý tôi là tôi không có bạn. Vậy nên, kiểu bạn gái mà bà nói tới- dĩ nhiên là tôi không có.”
“ Vậy là cậu chưa bao giờờờờ có một người bạn nào? Chứ không phải chỉ hiện giờ.”
“ Ừ, tôi không có hứng với người khác, nên cũng chả có hứng với tôi cả. Thật sự tôi mừng là mình sẽ không phải mất ai.”
“ Nhưng cậu hẳn cũng phải muốn có bạn chứ?”
“ Tôi ngờ lắm. Có lẽ có bạn sẽ vui, nhưng tôi tin rằng bên trong thế giới những cuốn tiểu thuyết vui hơn là thế giới thực.”
“ Vậy nên cậu luôn đọc sách.”
“ Có lẽ vậy. Và đấy là kết thúc câu chuyện không mấy thú vị về tôi. Tôi chỉ hỏi vì phép lịch sự thôi, nhưng bà thì sao. Nếu bà có bạn trai, thì thay vì phí thời gian với tôi, dùng thời gian ấy đi với bạn trai không tốt hơn à?”
“ Mình có bạn trai, nhưng vừa mới chia tay rồi.”
Nhỏ nói, không lộ chút nuối tiếc.
“ Vì bà sắp chết à?”
“Không. Làm sao mình nói với cậu ấy chuyện ấy được. Mình còn chưa kể với bạn mình mà.”
Vậy sao nhỏ lại có thể kể thẳng thừng với tôi lúc ở bệnh viện? Tôi không quan tâm tới, và tôi cũng không hỏi. Như bình thường.
“ Cậu ấy, hừm, cậu cũng biết đấy. Học cùng lớp ta mà. Mà có lẽ kể cả mình có nói tên cậu cũng không nhớ ra là ai đâu. Ha ha ha. Cậu ấy, coi nào, là một người rất tuyệt để làm bạn, nhưng không tốt để làm người yêu.”
“ Vậy là cũng có người như vậy à?”
Còn không có lấy một người bạn, tôi không thể bào biết tới kiểu người như vậy.
“ Ừ. Có chứ. Vậy nên mình mới chia tay đấy. Hẳn là tuyệt vời nếu ông trời dán nhãn lên mọi người từ khi mới lọt lòng nhỉ. Kiểu như người này chỉ nên làm bạn, hay người kia sẽ tốt kể nếu làm người yêu.”
“ Tôi đoán là nếu thế sẽ làm chuyện dễ hơn với người như tôi. Nhưng với tuýp người như bà, chẳng phải là sự phức tạp đối nhân xử thế khiến chuyện thú vị hơn à?”
Nhỏ lại cười phá lên khi nghe tôi.
“ Đúng như cậu nói nhỉ, ha! Đúng. Mình đoán là mình sẽ đồng ý với cậu, vậy nên, mình rút lại cái nãy mình nói về nhãn dán nhé. Xem ra cậu thật sự hiểu mình nhỉ.”
“............”
Tôi đã định phản đối lại, nhưng rồi thôi. Tôi nghĩ có lẽ nhỏ đúng. Do lí do trả lời bỗng đến với tôi. Tôi đúng là hiểu được nhỏ.
“........ Chắc hẳn là vì chúng ta là hai cực ngược nhau.”
“ Ngược nhau?”
“ Bà là đối lập với tôi, có lẽ do vậy bà nghĩ tới những thứ tôi có lẽ sẽ không nghĩ tới.”
“ Cậu nói nghe thông thái quá ha, hay do ảnh hưởng tiểu thuyết thế?”
“ Có khi.”
Sự thật là chưa khi nào số phận sắp đặt hay có cần sắp đặt chúng tôi liên quan đến nhau- như thể chúng tôi đứng trên hai đầu thế giới.
Cho đến mấy tháng trước, điểm duy nhất tương đồng giữa hai đứa chỉ là việc chúng tôi học cùng lớp, và tiếng cười ồn ào của nhỏ thi thoảng lại văng vào tai tôi. Tiếng ấy quá ồn ào, nên mặc dù tôi vốn không hứng thú với người khác, cũng nhận ra tên nhỏ khi gặp ở bệnh viện. Việc cái tên ấy ăn sâu vào đâu đó trong tâm trí tôi- hẳn cũng phải do việc chúng tôi là hai người trái ngược.
Trong khi hút li cafe au lait của mình, nhỏ vui vẻ reo lên “ Ngon quá!” cùng với nhiều nhận xét khác về món đồ uống. Tôi lặng lẽ uống li cafe đen của mình.
“ À, chúng ta có lẽ la hai cực đối thật- như khi ăn thịt nướng lúc nãy ấy, cậu chỉ có ăn mỗi karubi với roosu. Mặc dù thi thoảng cậu lại có vẻ sẽ bắt đầu ăn homuron.”
( Karubi- カルビ - sườn bò/ lợn. Roosu-  ロース – thăn bò/ lợn)
“ Chúng ngon hơn tôi tưởng, nhưng sau cùng thì, thịt bình thường vẫn là ngon nhất. Mà ăn nội tạng không phải việc quỷ dữ mới làm à? Cũng như bỏ một đống đường với sữa vào cafe vậy. Cafe  không là hoàn hảo rồi.”
“ Có vẻ là khẩu vị của cậu với mình không hợp nhau lắm nhỉ, phải không?”
“ Tôi không nghĩ chỉ đồ ăn không đâu.”
Chúng tôi nán lại ở hàng cafe cả gần tiếng đồng hồ. Chúng tôi nói về những việc hết sức vặt vãnh trong cái giờ đồng hồ này. Cuộc sống, cái chết, bệnh tật hay tương lai, chúng tôi chẳng nói về cái nào cả. Thay vào đó, câu chuyện chủ yếu xoay quanh nhỏ nói về những đứa cùng lớp. Tôi đã cố gắng để quan tâm hơn đến đám ấy, nhưng nỗ lực của nhỏ trong việc này kết thúc thất bại.
Tôi chỉ chú ý tới những câu chuyện về những lỗi ngớ ngẩn hay chuyện tình của đám cùng lớp vừa đủ để có vẻ không phải một thằng chỉ biết những việc chán ngắt. Nhưng nhỏ hẳn đã để ý tới cảm giác của tôi, do tôi không pahir một người có thể che dấu cảm giác chán chường. Kể cả thế, tôi có để ý chút đỉnh tới điệu bộ của đứa con gái đang nói ra rả kia. Dù rằng, nếu là tôi, tôi sẽ chẳng phí thời gian, hoài công vô ích.
Sắp sửa đến lúc về nhà- khi cảm giác ấy xuất hiện, không rõ từ đứa nào, tôi bắt đầu hỏi nhỏ về việc mà tôi vẫn đang canh cánh.
“ Mà này, bà tính làm gì với cái sợi thừng thế? Bà không định từ tử đâu hả? Bà có nói để ‘nghịch’ nhỉ?”
“ Mính sẽ làm một trò đùa, mà nói thế chứ, mình sẽ không biết được kết quả, nên bạn- cùng- lớp- biết- bí- mật này, cậu để ý giùm mình nhé. Thế này này, mình sẽ nhắc đến sợi dây trong quyển ‘Nhật trình Sống chung với Bệnh’. Rồi khi người ta phát hiện ra sợi dây, sẽ hiểu lầm rằng mình đã bí bách đến mức chuẩn bị tự vẫn. Kiểu nghịch như thế ấy mà.”
“ Vô vị quá.”
“ Không sao, không sao cả mà. Mình sẽ viết  rõ vào là đó thật ra chỉ là xạo thôi. Sau khi lỡm người thì nên giải thích chứ hả?”
“ Tôi không nghĩ là không ai vui vì trò này đâu. Nhưng mà có còn hơn không hả?”
Tôi cảm thấy kì lạ, nhưng tôi nhận thấy rằng lối suy nghĩ của nhỏ, tách biệt hẳn của tôi quả là thú vị. Giả là tôi, tôi sẽ quan tâm tới cái việc người khác sẽ phản ứng như thế nào quanh tôi sau khi tôi chết.
Chúng tôi rời quán, đi về lại nhà ga, và bằng cách nào đấy, có thể lên được nổi tàu mặc cho cái đám người đông như kiến, rồi vẫn đứng trên tàu, chúng tôi về đến thị trấn sau một hồi nói chuyện.
Do cả hai đứa đi xem đạp đến nhà ga, chúng tôi cùng đi đến bãi xe miễn phí để lấy xe. Rồi sau khi dắt xe đến gần trường, chúng tôi vẫy tay chào nhau. Nhỏ nói: “ Mai gặp nhé.” Vốn ngày mai không có hoạt động ở thư viện, có lẽ tôi sẽ không thể nói chuyện được với nhỏ, nhưng tôi vẫn trả lời với một tiếng “ Ừ.”
Con đường tôi đạp xe về nhà vẫn là con đường bình thường- tôi tự hỏi tôi còn có thể thấy nó bao nhiêu lần nữa đây. Hở. Quả là lạ. Mới hôm qua, nỗi lo về cái chết rồi sẽ đến và tôi sẽ biến mất còn nặng trong tim tôi, giờ đã tạm lắng xuống. Có lẽ, bởi do nhỏ con gái hôm nay tôi nhìn còn lâu mới chết, nên cái nhận thức một ngày tôi sẽ phải chết đã suy giảm.
Vào cái ngày này, tôi bắt đầu ngờ vực, chỉ một tí thôi, là nhỏ sắp chết.
Tôi về đến nhà, đọc một cuốn sách, ăn bữa tối mẹ nấu, tắm rửa, uống trà lúa mạch trong bếp, chào bố với câu “ chào bố”, rồi  khi trở về phòng dự định đọc thêm một cuốn sách nữa, tôi nhận được một tin nhắn từ điện thoại. Tôi hoàn toàn không sử dụng tới chức năng nhắn tin của điện thoại, nên thấy lạ khi có tiếng chuông báo tin nhắn. Tôi mở điện thoại ra và nhận ra tin nhắn là của nhỏ. Giờ nghĩ lại, do liên lạc giữa các thành viên ban thư viện với nhau, nên tôi và nhỏ đã trao đổi địa chỉ email.
Tôi nằm xuống giường, mở tin nhắn lên. Nội dung của nó như sau:
‘ Chào cậu! Mình thử nhắn tin tới cậu đây- nhận được chứ? Cám ơn vì hôm nay đã giành thời gian đi với mình nhé (⌒o⌒)
Mình rất vui! o(^^)o Mình sẽ rất vui nếu cậu đi chơi tiếp với mình o(^^)o Cho tới ngày mình chết, cùng làm thân với nhau nhé. Okay, chúc ngủ ngon o(^^)o Ngày mai gặp nhé.’
Điều đầu tiên tôi nghĩ đến là mình đã quên trả tiền nhỏ bữa thịt nướng. Kể cả nếu  ngay ngày mai tôi vẫn chưa trả được, giờ tôi ghi lại vào mục ghi chú trên điên thoại, để không còn quên nữa. Tôi dự định trả lời đơn giản thôi, nên tôi đọc lại tin nhắn.
Làm thân hả.
Thông thường, tôi sẽ ngừng lại một lúc ở chỗ ‘ cho tới ngày mình chết’- cái câu đùa đặc trưng của nhỏ- nhưng giờ tôi chú ý hơn tới phần phía sau.
Hiểu rồi, chúng tôi đang trở nên thân hơn.
Tôi ráng nhớ lại cả ngày hôm nay, rồi nghĩ lại có lẽ chúng tôi đã thân hơn trước một chút.
Tôi định nhắn lại cho nhỏ những gì mình vừa nghĩ, nhưng lại thôi. Tôi có cảm giác nhỏ sẽ thất vọng nếu tôi nói thế vơi nhỏ.
Tôi, cũng như nhỏ, thấy hơi vui hôm nay.
Những gì đang được chứa trong nơi sâu thẳm trái tim tôi, tất cả được tôi gửi cho nhỏ trong tin nhắn- những chữ “ Gặp lại ngày mai.”

Nằm trên giường, tôi lật một cuốn sách. Đứa con gái ở phía ngược kia- tôi tự hỏi nhỏ đang làm gì.

Popular posts from this blog

CHAP 1

BACKSTAGE VIEW TRONG EXCEL

ME, HER, AND THE BALLISTIC WEAPONRY [ANTIQUE] CHAP 7